PHOTOSTABILITY VÀ VÌ SAO KHÔNG NÊN DÙNG KEM CHỐNG NẮNG HANDMADE.

Sau khi dạo khắp các trung tâm mua sắm, test thử và cẩn thận kiểm tra từng thành phần cùng độ SPF, bạn hoan hỉ ra về, tin chắc mình đã mua được một loại chống nắng phù hợp nhất cho da. Nhưng liệu bạn có đủ tự tin khẳng định kem chống nắng bạn vừa chọn có thực sự tốt?

Độ bền với ánh sáng (photostability) là khả năng một sản phẩm duy trì tính ổn định khi tiếp xúc với ánh sáng. Điều này đặc biệt quan trọng khi chọn lựa kem chống nắng vì hẳn bạn không hề muốn kem chống nắng của mình bị mất tác dụng ngay khi tiếp xúc với những tia nắng đầu tiên. Tuy nhiên, trong khi các công ty mỹ phẩm buộc phải ghi rõ mức độ chống tia UVB trước khi đưa ra thị trường thì khả năng chống UVA và độ bền ánh với ánh sáng lại không nằm trong danh mục cần phải công bố cụ thể. Do đó, rất khó để bạn thực sự biết kem chống năng của mình có bền vững với ánh sáng hay không.

Ví dụ tiêu biểu là avobenzone, một trong những thành phần được sử dụng rộng rãi trong các công thức kem chống nắng hóa học lại dễ bị phân hủy khi hấp thụ ánh sáng để bảo vệ da. Đặc điểm này làm giảm khả năng chống lại các tia UVA của avobenzone. Dù vậy, khi avobenzone được kết hợp với các thành phần nhất định, chẳng hạn như octocrylene, sẽ duy trì được tính ổn định với ánh sáng, mang lại khả năng ngăn chặn tia UVA hiệu quả. Bên cạnh đó, các nghiên cứu đã chỉ ra rằng những thành phần chống nắng gồm Mexoryl XL, Mexoryl SX, Tinosorb M, Tinosorb S, kẽm oxit và titan oxit có độ bền cao.

Vậy còn kem chống nắng handmade chứa thành phần photostability là kẽm oxit thì sao? Chỉ cần google một chút ở các diễn đàn làm đẹp, hay các tiệm kinh doanh tự phát online, bạn dễ dàng bắt gặp những công thức DIY nửa vời kiểu pha một muỗng dầu dừa, hai muỗng bơ hạt mỡ, ba muỗng bột kẽm oxit, một chút sáp ong, một chút dầu olive, thêm hương liệu, khuấy đều và đợi ba mươi phút là có kem chống nắng tự nhiên, thân thiện với làn da. Nhưng đáng tiếc, mọi chuyện không hề đơn giản như vậy! Để kem chống nắng có tác dụng, các phân tử kẽm oxit phải được phân bố đều khắp và ở mật độ đủ dày để tạo tạo thành lớp màng chắn vật lý cho da. Trên thực tế, các phân tử kẽm oxit có tính liên kết cao, do đó, thường kết dính thành cụm . Giả sử bạn bổ sung thêm một hóa chất khác để tách kẽm oxit ra riêng, kết quả thường thấy là chúng sẽ phân tách được một thời gian ngắn trước khi lại kết hợp với phân tử khác. Và lần này, độ bền liên kết của chúng, ít nhât, sẽ bền gấp đôi trước khi bị phân tách. Vì vậy, bạn chẳng thu về gì hơn một mớ hổ lốn mà nếu tô trát lên da thì hậu quả sẽ khôn lường. Đáng chú ý là những quá trình phân tách hay kết hợp này chỉ có thể quan sát được ở mức phân tử, bằng mắt thường, bạn sẽ chỉ thấy mình thật tài giỏi khi tự tạo ra được một loại kem chống nắng tuyệt vời!

Nói như vậy không có nghĩa là bất khả thi đề tạo được kem chống nắng, tuy nhiên, quá trình nghiên cứu và thực nghiệm sẽ tốn rất nhiều thời gian và công sức, một số tiền tương đối, những dụng cụ chuyên biệt trong phòng thí nghiệm cùng nhiều lần kiểm tra theo tiêu chuẩn nghiêm ngặt trước khi sản phẩm đạt được một kết quả khả quani về độ ổn định, độ bền với ánh sáng, độ chống chống nắng và bảo vệ da. Vì vậy với cơ sở vật chất hiện tại còn hạn chế của các shop handmade Việt Nam, việc tự tạo được kem chống nắng là khá khó khan

Ngắn gọn, khi sử dụng kem chống nắng, bạn phải chú ý hai yếu tố: chắc chắn rằng đã chọn đúng sản phẩm được nghiên cứu và kiểm nghiệm đầy đủ, tránh sản phẩm handmade không đủ chất lượng và chú ý đến tính ổn định với ánh sáng bằng cách lựa chọn những thành phần tốt như kẽm oxit và titan oxit để bảo vệ làn da một cách tốt nhất.

Nguồn Skinna